Đề án khuyến khích tái chế tại Singapo

Ngày 20.9, Singapore bắt đầu tiến hành tham khảo ý kiến người tiêu dùng, các nhà sản xuất và nhập khẩu đồ uống tại Singapore về đề án khuyến khích tái chế, giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Gian hàng đồ uống đóng chai tại siêu thị Singapore

Theo đề án, người tiêu dùng chọn mua đồ uống đóng chai tại Singapore có thể phải bỏ thêm 10 đến 20 xu để đặt cọc. Trong giai đoạn đầu, quy định chỉ bao gồm lon kim loại và chai nhựa.

Ví như, một lon coca có giá ban đầu là 1,20 đô la Singapore trong một cửa hàng tiện lợi sẽ được bán lẻ với giá khoảng 1,40 đô la Singapore, trong đó 20 xu là tiền người mua đặt cọc. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ có thể nhận lại 20 xu khi trả vỏ chai đến các điểm hoàn trả được chỉ định.

Sau khi hoàn thiện, kế hoạch có thể được triển khai vào giữa năm 2024. Tuy nhiên, chương trình này sẽ không áp dụng cho đồ uống được pha chế tại chỗ.

Đề án trên lần đầu tiên được công bố tại các cuộc tranh luận của Ủy ban Cung ứng Singapore năm 2020, nhằm tiến tới giảm chất thải bao bì vốn tạo nên 1/3 chất thải sinh hoạt tại Singapore. Đáng chú ý, khoảng 60% chất thải như vậy là rác nhựa.

Theo số liệu của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), hơn 1 tỷ đồ uống đóng chai sẵn được cung cấp thị trường tại Singapore mỗi năm. Khoảng 660 triệu lon kim loại và 390 triệu chai nhựa được sử dụng nhưng chỉ 4% rác thải nhựa được tái chế.

NEA cho biết, kế hoạch hoàn trả bao bì đồ uống là nhằm hướng tới mục tiêu giảm lượng rác thải được gửi đến bãi chôn lấp của Singapore, tăng cường tái chế với tỷ lệ 70% vào năm 2030 – một phần kế hoạch xanh Singapore 2030. 

Kế hoạch cũng nhằm mục đích làm cho các nhà sản xuất nước giải khát – bao gồm các nhà sản xuất và nhập khẩu – có trách nhiệm hơn trong việc thu gom và quản lý vòng đời cuối của sản phẩm.

Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Tiến sĩ Amy Khor – Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững, môi trường và giao thông vận tải Singapore nhấn mạnh, kế hoạch này không phải là “thuế” đối với đồ uống đóng gói sẵn.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng khoản đặt cọc này thực sự không phải là thuế đối với đồ uống vì người tiêu dùng sẽ có thể được hoàn lại toàn bộ số tiền đã đặt cọc  miễn là họ trả lại vỏ chai đã qua sử dụng. Vì vậy, ý tưởng thực sự là khuyến khích họ quay lại để lấy lại tiền đặt cọc, khắc sâu thói quen tái chế” – Bộ trưởng Amy Khor nói.

Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới như Sydney (Australia), Na Uy, Đức và Lithuania… cũng thực hiện những quy định tương tự.

Khi trả lại vỏ chai nhựa chứa đồ uống, người tiêu dùng có thể nhận được tiền hoàn lại thông qua chuyển khoản điện tử, tiền mặt, chứng từ tiền mặt hoặc cũng có thể chọn quyên góp số tiền đó cho tổ chức từ thiện.

Cuộc khảo sát, thu thấp ý kiến cho đề án trên sẽ kết thúc vào ngày 14.10 tới.

0902.57.07.67