Sống xanh từ mô hình quản lý rác thải

Dự án nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa sau 3 năm (2019-2022) triển khai tại Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã góp phần tạo lối sống xanh, nâng cao năng lực quản lý rác thải sinh hoạt, đồng thời tạo thêm thu nhập cho người dân.

Quản lý hiệu quả rác thải sinh hoạt

Dự án nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa được triển khai bởi hội nông dân và hội phụ nữ ở 5 địa phương: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương nhằm khuyến khích sống xanh. Được triển khai từ tháng 12-2019 đến cuối năm 2022, dự án đã đạt được những kết quả tích cực.

Đơn cử như ở tỉnh Quảng Ninh, dự án đã tổ chức 35 buổi tập huấn về phân loại rác thải và nhựa với 6.000 người dân tham gia, bao gồm: Các chủ tàu cá, hộ dân, thanh thiếu niên, học sinh, thành viên chi hội thu mua ve chai, hộ kinh doanh cá thể, nhân viên một số doanh nghiệp.

Thông qua dự án, hơn 100 tàu du lịch tại vịnh Hạ Long đã cam kết không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Dự án cũng tặng 30 xe đạp, 140 bộ quần áo bảo hộ, 100 đôi giày cho các lao động thu gom rác thải tại TP Hạ Long.

Các thành viên của Chi hội thu mua ve chai ở phường Hồng Hà (Hạ Long, Quảng Ninh) phân loại rác. 

Ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết: “Chúng ta đang hướng tới nền du lịch bền vững vừa mang lại lợi ích cho người dân địa phương, vừa bảo vệ môi trường. Do đó, chi hội đã cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, góp phần nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Hạ Long.

Chi hội mong muốn việc phân loại rác cần phải thực hiện đồng bộ, tránh việc các tàu đã phân loại rác nhưng khi đem lên bờ lại đổ chung rác với nhau thì công sức phân loại rác bằng không. Ngoài ra, các nhà hàng, du khách cũng nên hạn chế bán và sử dụng các chai nhựa vì một Hạ Long không rác thải nhựa”.

Tại Đà Nẵng, dự án đã xây dựng mô hình quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng thành lập nhóm nòng cốt tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang gồm những người đã được đào tạo kiến thức về rác thải và nhựa, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn.

Lực lượng này đóng vai trò là người giám sát tại các địa điểm để hướng dẫn từng hộ gia đình thực hiện đúng quy trình phân loại trước khi xe rác đến thu gom. Với sự tham gia tích cực, dự án ghi nhận 80% hộ gia đình tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tham gia phân loại rác tại nguồn.

Nâng cao thu nhập từ phân loại rác thải

Không chỉ góp phần nâng cao năng lực quản lý rác thải sinh hoạt, dự án còn giúp người dân tăng nguồn thu nhập từ rác thải. Dự án đã thành lập 5 quỹ cho vay với lãi suất 0% trong 3 năm với tổng số vốn khoảng 890 triệu đồng nhằm hỗ trợ thành viên của các chi hội thu mua ve chai tại 5 địa phương tham gia dự án. Như Chi hội thu mua ve chai ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long (Quảng Ninh) gồm 15 thành viên, mỗi ngày thu gom được hơn một tấn phế liệu. Sau khi phế liệu được gom về, các thành viên tiến hành phân loại theo tính chất sản phẩm rồi bán lại cho các cơ sở tái chế.

Anh Phạm Văn Đại, thành viên của Chi hội thu mua ve chai ở phường Hồng Hà, cho biết: “Trước đây, khi chưa tham gia dự án, những người làm công việc thu mua phế liệu như tôi chỉ làm độc lập, không có sự liên kết, mức thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Từ khi tham gia dự án, chúng tôi liên kết với nhau, học cách phân loại rác sao cho hiệu quả, cách bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với rác thải và được dự án tặng xe đạp cùng các dụng cụ hỗ trợ công việc. Từ đó, mức thu nhập của thành viên trong chi hội trung bình đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chúng tôi cũng được hỗ trợ gói vay vốn với lãi suất 0% để trang trải cuộc sống”.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Công nhân xử lý chất thải, đặc biệt là những người thu gom phế liệu không thuộc công ty hay đơn vị nào, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhưng dễ bị tổn thương và chịu một số rủi ro như khi thu gom rác thải sẽ có khả năng tiếp xúc với vật liệu độc hại và chất thải y tế.

Do đó, điều cần thiết là công nhân xử lý chất thải cần phải được bảo vệ, hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản, được đào tạo nâng cao nhận thức, đồng thời cũng cần được nhận diện rõ ràng trong hệ thống quản lý chất thải. UNDP đã hỗ trợ tổ chức hơn 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải.

Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án, UNDP cũng đã giới thiệu ứng dụng “Săn rác”. Đây là ứng dụng trên điện thoại dùng để báo cáo và theo dõi tất cả các bãi rác tự phát, sai quy định tại Việt Nam. Người dùng có thể chụp ảnh và ghi lại thông tin trên ứng dụng về các điểm có rác sai quy định trên bản đồ “Săn rác”, từ đó giúp chính quyền địa phương, các bên liên quan và người dân có thể xử lý kịp thời. Sắp tới, UNDP sẽ hình thành dự án giai đoạn 2 tại Việt Nam về “Các mô hình quản lý chất thải tổng hợp và bao trùm thông qua trao quyền cho khu vực phi chính thức và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”.

0902.57.07.67