Chung tay chống rác thải nhựa, vì một Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững – “Vũ khí mềm” của Bến Tre

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến tới hình thành văn hóa ứng xử cộng đồng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ sức khỏe người dân.

Quyết liệt thực hiện

Theo ngành chức năng Bến Tre, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 1.011 tấn/ngày. Lượng rác được thu gom và xử lý khoảng 419 tấn/ngày, chiếm 41,5%; trong đó, tỷ lệ thu gom và xử lý tại đô thị 94%, khu vực nông thôn 64%. Tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt tỷ lệ 20%. Tỷ lệ chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý ước đạt 73%.

Bến Tre quyết tâm hướng đến mục tiêu “Bến Tre xanh”

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khu vực công cộng, công viên, chợ, bến bãi giao thông, khu du lịch, ven biển… đều có rác thải nhựa gây mất mỹ quan. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thói quen sử dụng sản phẩm thải bỏ một lần tiện lợi từ nhựa, túi ni lông của người dân chưa thay đổi; công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa thực hiện tốt; việc xử lý theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm về quản lý rác thải, vứt rác không đúng nơi quy định chưa được triển khai thực hiện nghiêm.

Thông tin về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre Trịnh Minh Khôi cho biết: Để thực hiện có hiệu quả về “Chống rác thải nhựa”, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, ngay từ năm 2019, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có trên 50% lượng chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý; 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bến Tre đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với sản phẩm nhựa thông qua các phần việc cụ thể như: xây dựng sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rác thải; thực hiện chương trình, chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực trạng, các nguy cơ ảnh hưởng của rác thải nhựa, túi ni lông tới môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tập trung triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn. Đây là công việc bắt buộc phải thực hiện ngay và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới mục tiêu xây dựng Bến Tre xanh, phát triển bền vững.

Nhân rộng mô hình

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị tại Bến Tre đã ra quân hưởng ứng, cũng như có những thành động thiết thực trong phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn. Điển hình như: Hội Phụ nữ TP. Bến Tre quyết tâm lan tỏa phong trào đến từng hộ gia đình và nâng chất thành mô hình Dân vận khéo cấp thành phố về “Hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại hộ gia đình, thay thế túi đựng rác truyền thống bằng túi tự hủy sinh học thân thiện môi trường trong cán bộ Hội”.

Mô hình “Cá ăn rác thải nhựa” đặt tại bờ biển Bến Tre

Hội Phụ nữ TP. Bến Tre đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức truyền thông lồng ghép về “Chống rác thải nhựa”; vận động cán bộ, hội viên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, nâng chất lượng 30 tuyến đường “Xanh, sạch, đẹp” do phụ nữ tự quản tại 100% cơ sở của Hội.

Ngoài ra còn có các mô hình hay như: “Câu lạc bộ xanh”; “Biến rác thành tiền”; “Ngôi nhà vì bạn vì tôi”. Đặc biệt là dự án “Biến rác thải thành phân bón hữu cơ và phát triển vườn rau xanh”, tham gia dự án này, người dân được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, phân loại sản phẩm nhựa tại hộ gia đình, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp triển khai mô hình “Tiếng loa môi trường”; phong trào “Đổi rác thải nhựa – Lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa – Lấy nhu yếu phẩm”; trao tặng thùng rác ngoài trời 2 ngăn cho trường học; thành lập và ra mắt fanpage “Bến Tre xanh” nhằm tuyên truyền, giáo dục môi trường; nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức BVMT, phát động phong trào phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Các dự án khả thi, mô hình hiệu quả được lan tỏa, áp dụng rộng rãi đã như một thứ “vũ khí mềm” trong cuộc chiến “chống rác thải nhựa” của Bến Tre.

Ông Trịnh Minh Khôi – Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho hay: Hiện nay, Sở TN&MT đang xin chủ trương của UBND tỉnh Bến Tre về việc triển khai mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn. Cụ thể, sẽ triển khai mô hình trên địa bàn TP. Bến Tre và huyện Giồng Trôm với hơn 3.000 hộ gia đình; mô hình phân loại rác thải tại nguồn kết hợp giảm thiểu rác thải nhựa tại các Trường THPT trên địa bàn tỉnh; mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở các cơ quan tại tòa nhà 6 sở, ngành tỉnh…

“Nếu được UBND tỉnh cho phép thực hiện, kết quả các mô hình này sẽ được báo cáo tại Hội nghị khoa học tổng kết kết quả sau một năm triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn. Trên cơ sở đó, sẽ đúc kết kinh nghiệm và có kế hoạch nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre trong thời gian tới” – ông Trịnh Minh Khôi cho biết thêm.

0902.57.07.67