Rác thải và môi trường sống….

Bầu không khí trong lành quanh ta ngày một bị tước đi cái chất trong lành vốn dĩ. Môi trường sống của chúng ta ngày một bị thu hẹp khi công nghiệp hóa phát triển trên diện rộng. Đây là một nghịch lý của đời sống hiện đại, mà tác nhân gây nên không gì khác, đó chính là… rác!

Có hàng chục, hàng trăm loại rác “vây quanh” đời sống hằng ngày của chúng ta. Nào là rác thải rắn, rác thải lỏng, rác thải khí… Trong số này, chỉ riêng rác thải sinh hoạt (là các loại chất thải, phế liệu sau khi sử dụng, thức ăn thừa…) thải ra môi trường bên ngoài, ủ thành những độc chất, tác động ngược lại cho đời sống con người. Rồi rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, rác thải chăn nuôi, rác thải y tế… cũng là mối đe dọa trực tiếp thường ngày nếu không có sự quản lý, thu gom, xử lý…

Các nhà chuyên môn đã phân rác thành 3 loại: rác thải rắn, rác thải lỏng, rác thải khí; và cũng phân ra trong số này có: rác tái chế, rác hữu cơ, rác vô cơ. Trong đó, rác vô cơ là rác nguy hại nhất. Với loại rác này (gồm các loại bao bì, chai nhựa, hủ nhựa, các loại túi nylon…) phải mất đến hàng trăm, hàng ngàn năm vẫn chưa phân hủy nên chỉ có cách tốt nhất là đem đi “hỏa thiêu” hoặc đem “chôn sống”!

Xin nhắc lại vụ việc làm dư luận dậy sóng mấy ngày qua của một công ty TNHH ở tỉnh Trà Vinh, đã mang hàng ngàn tấn rác thải đến tận tỉnh Bình Dương lén lút “chôn cất”. Sự vụ đã bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện. Điều đáng ngạc nhiên là bãi chôn lấp này rộng hàng chục ngàn mét vuông chứa đủ các loại rác – từ rác sinh hoạt cho đến rác độc hại đã chôn giấu từ nhiều năm nay. Do lượng rác quá lớn nên “nghĩa địa rác” quá tải, rác đã tràn xuống khu vực suối (Suối Thôn) ngay bên cạnh. “Nguồn nước chết chóc” từ con suối này chảy ra Sông Bé (Bình Dương) đã làm ô nhiễm cả một dòng sông…

Điều đáng nói ở “nghĩa địa rác” này ban đầu là gây ô nhiễm bằng chất thải rắn, nhưng sau đó biến thành… nước thải do rác “tự tràn xuống suối” biến thành chất độc hại khác còn độc hơn nhiều lần nguyên thủy theo nhìn nhận của ngành Y tế. Cơ quan chức năng nhận định: “Vụ chôn lấp chất thải trái phép quy mô lớn là vi phạm rất nghiêm trọng về pháp luật bảo vệ môi trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”!

Còn nhớ vụ gây ô nhiễm biển nghiêm trọng của nhà máy Formosa Hà Tĩnh hồi năm 2016. Vụ việc bắt đầu lộ ra từ hiện tượng cá chết trên vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh). Sau đó lan trên diện rộng, dọc ven các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Sự cố đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành Thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch… Đời sống người dân thì lao đao. Nguyên nhân là do nhà máy xả ra môi trường nước thải chưa qua xử lý, có chứa độc tố. Hành vi vô ý (hoặc cố ý) đã để lại hậu quả phải mất nhiều tháng, nhiều năm mới “cân bằng” được cả về môi trường, cả về đời sống vật chất của người dân!

Nhân đây xin lưu ý, ở các vùng phát triển mạnh nghề nuôi tôm (nhất là tôm công nghiệp, trong đó có Bạc Liêu), đi liền với đó là các nhà máy chế biến thủy sản mọc lên, nếu không xử lý tốt nguồn nước sẽ gây hại cho môi trường (nhất là môi trường nước), gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân trong vùng. Chỉ riêng việc nhà máy lén lút xả nước xuống kênh mương – người nuôi tôm lấy nước bẩn đó vào nuôi, con tôm trước sau gì cũng bị… “bức tử”! Cuộc sống người dân vì thế sẽ lận đận theo!

Nhắc lại những vụ gây ô nhiễm có tính điển hình này là muốn “nhắc nhớ”, đồng thời cũng để cảnh tỉnh sự vô ý thức (có cả cố ý) của một bộ phận người. Những vụ vừa nêu chỉ thiên về rác thải… nước (nước thải). Các loại rác khác cũng nguy hại không kém đến môi trường sống hằng ngày mà đôi khi chúng ta vô tình lướt qua, không để ý. Vô tình sống chung với độc hại mà không hề hay biết.

Môi trường sống là gì? Là nơi chúng ta đang sống, sinh hoạt, ăn uống, hít thở… để tồn tại. Vậy mà không khí hít thở đã “hòa cùng” tro bụi, khói nhà máy; nguồn nước thải thì ô nhiễm, độc hại (đặc biệt là nước thải từ các nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến thủy sản…). Trên các cánh đồng, ruộng lúa thì chai thuốc diệt cỏ, chai thuốc trừ sâu, chai lọ vứt bừa bãi, vô tội vạ… khiến chất độc đã ngấm vào lòng đất, vào nguồn nước gây hậu quả khôn lường.

Môi trường sống chính là không gian sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên và đồng thời cũng là nơi chứa đựng những rác thải mà con người tạo ra trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Trong thực tế môi trường sống đang ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính gây ra là do con người – con người hại con người, hại chính mình vì lợi ích trước mắt!

Một con số thống kế cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác, nhưng chỉ khoảng 15% trong số này được thu gom, tái chế… Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời…

Câu hỏi đặt ra có tính cấp thiết là làm gì để bảo vệ môi trường – cụ thể là môi trường nước, không khí đang bị ô nhiễm ở mức báo động? Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là phải chung tay bảo vệ môi trường sống, cân bằng lại hệ sinh thái. Nói thì nghe to tát, nhưng chỉ cần chúng ta có ý thức và hành động thường xuyên, liên tục hằng ngày. Chẳng hạn như, tập cho mình thói quen không vứt rác bừa bãi, thói quen sử dụng những vật dụng làm từ vật liệu sạch, thân thiện với môi trường (thay cho đồ nhựa, túi nylon…).

Chúng ta cần biết túi nylon phải mất hàng trăm, hàng ngàn năm mới phân hủy. Một khi không được phân hủy trong lòng đất thì túi nylon sẽ làm mất dần môi trường sống của sinh vật trong đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thực vật. Trên đồng ruộng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất vì nó sẽ khiến chúng ta chết dần chết mòn nhưng ít ai nhận biết. Theo các nhà khoa học, nó chính là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh về ung thư và các bệnh liên quan đến não bộ của chúng ta nếu vô tình hít vào cơ thể hoặc sống chung với nó…

Bảo vệ môi trường sống cho dù chỉ là những việc làm đơn giản hằng ngày như: tiêu hủy rác thải, không xả rác ra môi trường, không sử dụng các vật dụng nhựa, túi nylon… là chúng ta đã góp phần làm cho cuộc sống trong lành, xanh – sạch – đẹp thêm lên.

Hãy là người “đối xử” khôn ngoan trước môi trường của cộng đồng và của chính mình!

0902.57.07.67