TP. Hồ Chí Minh: Chương trình “Thứ 7 đổi rác lấy quà tích điểm xanh” lần thứ 2

Sáng ngày 29/10/2022, tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp, 1C Nguyễn Văn Lượng, Phường 6, quận Gò Vấp, Tp. HCM đã diễn ra chương trình “ Ngày hội tái chế thu gom túi nylon đã qua sử dụng được làm sạch và các vật dụng tái chế” lần 2.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” do: Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam (Awaten) tại TP. HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp tổ chức.

Chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân

Các mã rác A1, A2,A3, A4 (thùng giấy, chai nhựa sạch, Lon nhôm, Túi nilong sạch) có thể quy ra tiền. Các mã còn lại A5, B1, C1, C2 (Vỏ hộp sữa, Quần áo cũ, Bóng đèn huỳnh quang, Pin tiểu thải) sẽ được thu miễn phí, tích điểm xanh đổi quà.

Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, đông đảo bà con sinh sống trên địa bàn quận Gò Vấp đã có mặt tại địa điểm đổi rác từ khá sớm, ai cũng vui mừng, phấn khởi khi tham gia hoạt động bảo vệ môi trường đầy ý nghĩa này. Các loại giấy vụn, sách, báo, tạp chí, chai nhựa, quần áo cũ… đều được người dân thu gom và mang đến chương trình tại trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp để đổi rác lấy quà, tích điểm xanh”, góp phần cùng nhau chung tay thu gom, phân loại và tái chế rác thải.

Các loại giấy vụn, sách, báo, tạp chí, chai lọ, quần áo cũ… đều được người dân thu gom và mang đến chương trình tại trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp để đổi rác lấy quà, tích điểm xanh”

Bà Tô Ngọc Huỳnh – Người dân khu phố 14, phường 16, quận Gò Vấp cho biết, chúng tôi đã chuẩn bị và mong chờ chương trình này từ nửa tháng nay. Bằng những hành động thiết thực, tôi mong rằng ngày càng có thêm nhiều người biết đến chương trình, ai cũng hình thành cho mình thói quen, ý thức tự phân loại rác tại nguồn để môi trường ngày một xanh – sạch – đẹp hơn. 

Đại diện công ty TNHH 1 TV Sản xuất thương mại dịch vụ Á Châu, đơn vị tài trợ đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm, chị Phạm Thị Kim Trong cho biết, chúng tôi là đơn vị đồng hành cùng với Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng qua hoạt động này sẽ lan tỏa thêm thông điệp về ý thức và hành động phân loại rác đúng cách đến người dân từ đó góp phần biến rác thải thành tài nguyên.

Ông Phan Đình An – Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp chia sẻ thông điệp bảo vệ môi trường từ việc tái chế rác

Ông Phan Đình An – Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp chia sẻ: Ngày hội nhằm tuyên truyền đổi rác lấy các sản phẩm tái chế có thể sử dụng lại. Thông qua sự kiện này, chúng tôi muốn tuyên truyền cho người dân hiểu rác có thể tái chế được. Tôi mong rằng những ngày hội như thế này có thể đến với tất cả mọi người dân thành phố. Tôi tin rằng sau ngày hội, việc phân loại rác là một việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân.

Bà Phan Thị Thúy Phượng – Phó trưởng văn phòng đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ về ý nghĩa của chương trình

Bà Phan Thị Thúy Phượng – Phó trưởng văn phòng đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Hôm nay văn phòng Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam (Awaten) tại Tp. Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp tổ chức ngày hội tái chế thường niên mỗi tháng một lần, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp đến các hội viên và người dân trong quận về ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn, điều này góp phần làm đẹp cho thành phố nói chung và quận Gò Vấp nói riêng.

Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ kết hợp cùng các quận/huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh để có thể tổ chức thêm nhiều ngày hội như thế này nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường bằng cách phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn làm phân bón hữu cơ bằng men vi sinh.

Bà Trần Thị Thu Phượng – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp tại sự kiện sáng ngày 29/10

Bà Trần Thị Thu Phượng – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp cho biết: Hội LHPN quận Gò Vấp kết hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam để tổ chức Chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” tái chế thu gom rác. Trong kế hoạch chương trình, mỗi tháng tổ chức một lần, các hội viên phụ nữ mang quần áo cũ hoặc túi nilon và vỏ chai nhựa đến đổi rác lấy quà.

Từ đó cũng giúp cho hội viên phụ nữ quận Gò Vấp ý thức được việc bảo vệ môi trường. Hội Phụ nữ các phường cũng thành lập các tổ bảo vệ môi trường, các chị em cũng đã tuyên truyền về ý nghĩa của việc giảm rác thải nhựa, túi nilon, nhằm nâng cao ý thức của các hội viên về vai trò quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn.

Chương trình “Thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” được tổ chức tối thiểu 1 lần mỗi tháng, nhằm chung tay cùng với thành phố nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn, tăng tỷ lệ tái chế rác và giảm lượng rác gây ô nhiễm môi trường.

Đông đảo bà con sinh sống trên địa bàn quận Gò Vấp đã có mặt tại địa điểm đổi rác từ khá sớm, phấn khởi khi tham gia hoạt động bảo vệ môi trường

Ngoài ra chương trình còn lan toả thông điệp và hành động cùng nhau chung tay thu gom, phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố mang tên Bác luôn sáng – xanh – sạch- đẹp và văn minh đến với không chỉ người dân quận Gò Vấp mà còn lan tỏa với cả cộng đồng.

Hiện nay, mỗi ngày Tp. HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 – 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của Tp. HCM khoảng 0,98 kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý. Vì vậy phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những giải pháp được Tp.HCM triển khai từ rất sớm.

Theo quy định trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH phải phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH sẽ phân loại thành 2 nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Đồng thời, tùy điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ xử lý CTRSH, UBND Tp. HCM sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để UBND các quận, huyện và Tp. Thủ Đức triển khai thực hiện.

0902.57.07.67